Vì sao Karl Lagerfield có thể tạo nên những show thời trang hoành tráng để đời cho Channel? Ngoài tiền bạc, công sức ra, còn có những hiệu ứng tâm lí được nhà tổ chức sự kiện tài ba sử dụng khéo léo và tinh tế, đảm bảo sự kiện diễn ra hoàn hảo và suôn sẻ, khiến cho đám đông công chúng ngưỡng mộ và tự khắc đem lòng yêu mến thương hiệu. Vậy những thủ thuật tâm lý ấy là gì?
Hãy cùng tìm hiểu 3 hiệu ứng tâm lý thú vị thường được ứng dụng để tổ chức một sự kiện chuyên nghiệp và thành công, thậm chí ngoài mong đợi dưới đây nhé.
1. Nghịch lý của việc lựa chọn
Vào năm 2000, các nhà nghiên cứu đã tiến hành một thí nghiệm về sự lựa chọn để chứng minh cho sự tồn tại của hiệu ứng tâm lý mang tên “Nghịch lý của việc lựa chọn”. Theo đó, những người tham gia cuộc thử nghiệm được đề nghị lựa chọn 1 loại mứt trong 6 loại mứt đưa ra (hoặc 24 loại sô cô la – trong một nghiên cứu khác). Kết quả trong cả phòng thí nghiệm và nghiên cứu thực tế đã chỉ ra rằng số lượng các lựa chọn càng lớn sẽ càng gây ra sự khó chịu khi đưa ra quyết định lựa chọn với khách hàng. Thay vào đó, bằng việc đưa ra ít lựa chọn hơn, lượng người mua mứt hoặc socola đã tăng lên 30%; trong khi trước đó, với 24 loại mứt/ socola thì tỉ lệ mua hàng chỉ dừng lại ở con số 3%.
Nói cách khác, quá nhiều sự lựa chọn sẽ dẫn đến hiệu ứng nghịch lý: Số lượng lớn không phải lúc nào cũng khiến cho người ta cảm thấy thích thú và dễ chịu, ngược lại họ sẽ cảm thấy khó khăn hơn rất nhiều khi phải đưa ra lựa chọn và trăn trở liệu rằng lựa chọn này có đúng hay không? Nếu như việc này quá khó khăn, rất có thể khách hàng hoặc người tham dự thậm chí sẽ từ chối đưa ra lựa chọn.
Bài học rút ra: Đối với các nhà tổ chức sự kiện, điều này có nghĩa là bạn nên đảm bảo có sự cân bằng nhất định khi lên các agenda/hoạt động giải trí/kế hoạc tham dự trong một sự kiện. Quá nhiều lựa chọn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến những người tham gia quan điểm hoặc thậm chí khiến họ từ chối tham dự. Tốt nhất là hãy đưa ra số lượng lựa chọn vừa đủ để không gây ra bất kỳ khó khăn nào cho người tham dự trong quá trình quyết định.
2. Quy tắc đỉnh điểm
Hiệu ứng tâm lý này đã được nghiên cứu bởi Daniel Kahneman và các đồng nghiệp của ông. Họ thấy rằng mọi người sẽ đánh giá một sự kiện hay hay dở dựa trên những ấn tượng mà họ có được khi ở giai đoạn cao trào hoặc phút cuối của sự kiện. Ví dụ, một người đã từng cảm thấy rất khó chịu vì một tình huống nào đó (chờ đợi, xếp hàng quá lâu) nhưng sau đó lại ngay lập tức có được cảm xúc tích cực ở cuối sự kiện (đột nhiên việc xếp hàng lại được xử lý nhanh chóng, họ được tặng một món quà nhỏ ở cuối chương trình), thì họ sẽ cho rằng trải nghiệm tổng thể tại sự kiện này là thuận lợi và tương đối dễ chịu.
Bài học rút ra: Quy tắc “đỉnh điểm” đương nhiên có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực kinh doanh trong đó bao gồm cả sự kiện nói chung và với bất cứ sự kiện điển hình nào sở hữu quy trình quen thuộc “bắt đầu – cao trào – kết thúc”. Do đó, nếu bạn lên kế hoạch cho một chuỗi các hoạt động tạo ra cảm xúc tích cực ở giữa hoặc vào cuối hội nghị, bạn sẽ có khả năng nhận được những phản hồi tích cực tổng thể từ những người tham dự. Quy tắc tương tự có thể áp dụng để hỗ trợ các nhà tổ chức trong trường hợp bất khả kháng dẫn đến việc người tham gia không hài lòng: Hãy suy nghĩ hoặc hành động nhanh chóng để tạo ra những hoạt động mang ý nghĩa tích cực dù ở những phút cuối của chương trình. Bằng cách này, cơ hội “xí xoá” những điểm trừ trong sự kiện và thay vào đó là ấn tượng tốt đẹp trong lòng người tham dự sẽ cao hơn rất nhiều.
3. Ảo tưởng khi lập kế hoạch
Đây có lẽ là hiệu ứng tâm lý phù hợp nhất cần được bàn đến với các event planner. Bản thân thuật ngữ này phản ánh chính nỗi đau của các chuyên gia sự kiện, bởi lập kế hoạch là quá trình cơ bản và cốt lõi của nghề này.
Những ảo tưởng khi lên kế hoạch là việc đánh giá thấp các yếu tố cần thiết phải chuẩn bị để hoàn thiện một công việc. (Ngay cả khi nhiệm vụ đó đã từng được thực hiện và bạn có thể ước tính số lượng dựa theo kinh nghiệm). Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra lí do tại sao chúng ta vẫn mắc phải cái “bẫy ảo tưởng” ngay cả với những người đã có kinh nghiệm: quá lạc quan trong việc dự tính, tự đánh giá cao bản thân dựa vào những thành công trước đó; suy nghĩ thiếu thực tế; viển vông; kỳ vọng quá nhiều;…
Bài học rút ra: Dù sao, kế hoạch và thời hạn là những thứ được viết ra bằng cả tâm huyết và kinh nghiệm xương máu của những người làm sự kiện. Vì vậy, lời khuyên chân thành ở đây chính là: hãy nhớ về Đây là lý do tại sao khuyến nghị ở đây là đơn giản. Chỉ cần nhớ về kế hoạch sai lầm ở bất kỳ giai đoạn nào của dự án. Có lẽ điều này giúp chuyển công việc quản lý sự kiện xuống vị trí thấp hơn trong xếp hạng nghề nghiệp căng thẳng nhất thế giới.
Kết luận
Còn rất nhiều hiệu ứng tâm lý khác mà các nhà tổ chức sự kiện có thể ứng dụng để đạt được những kết quả mong muốn. Việc thấu hiểu cách thức mà những hiệu ứng tâm lý tác động tới hành vi của con người, hay nói cụ thể là nhóm công chúng mục tiêu của bạn sẽ khiến quá trình chinh phục họ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Phúc Quỳnh
Theo Brands Vietnam