Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt, các ngành kinh tế quay trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới, bất động sản cũng không ngoại lệ. Cùng với đó, truyền thông bất động sản cũng đi trước một bước để có thể “đón đầu” sự trở lại của toàn ngành.
Truyền thông dự án bất động sản bao gồm các hình thức giới thiệu, quảng bá, rao bán… các dự án bất động sản nhằm tăng nhận diện dự án, độ tin cậy thương hiệu và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của khách hàng. Truyền thông bất động sản có hai hình thức: trực tiếp và trực tuyến.
Truyền thông dự án bất động sản trực tuyến nở rộ
Truyền thông trực tuyến (online) là hình thức quảng bá, giới thiệu dự án bất động sản trên các nền tảng internet, mạng xã hội: facebook, zalo, website, landingpage… Đáng chú ý, hình thức này đang được giới truyền thông bất động sản áp dụng liên tục suốt thời gian qua, từ thời điểm thị trường có dấu hiệu xoay chiều hồi đầu tháng 5.
Trong đó, facebook, zalo đang là kênh được giới truyền thông bất động sản ưa chuộng bởi sự tiện dụng trong việc khoanh vùng phạm vi và đối tượng tiếp cận. Chỉ cần vài thao tác, giới truyền thông đã có thể thiết lập một fanpage hoặc trang cá nhân giới thiệu dự án. Cùng với đó, là sự phát triển của landingpage, website, những nền tảng giúp thông tin dự án trở nên “hấp dẫn” và “chuyên nghiệp” hơn.
Thực tế, sở dĩ truyền thông bất động sản trực tuyến được ưa chuộng vì chi phí thấp (so với truyền thông trực tiếp), dễ khoanh vùng đối tượng tiếp cận… Tuy nhiên, về lâu dài, hình thức truyền thông này khó mang lại hiệu quả bằng truyền thông trực tiếp, dù thực tế, truyền thông trực tuyến nở rộ chỉ trong thời gian ngắn vừa qua.
Truyền thông bất động sản trực tiếp cũng rầm rộ không kém
Đây là hình thức truyền thông quen thuộc và được áp dụng rất nhiều trong giới bất động sản. Lễ ra quân dự án, lễ mở bán, lễ khởi công, lễ cất nóc… là những biểu hiện thực tế của phương thức truyền thông này.
Phương thức này có nhiều lợi thế khi giúp người tổ chức tiếp cận trực tiếp với khách hàng, có thể bổ sung giỏ hàng tại chỗ và quan trọng nhất là giúp khách hàng có những trải nghiệm gần gũi nhất, gia tăng tỷ lệ đặt chỗ, chốt đơn tại dự án.
Phương thức này đã tồn tại từ lâu và hiện tại vẫn được giới bất động sản, nhất là các dự án lớn ưa thích. Bởi nó mang đến cho khách hàng cảm giác yên tâm khi được trải nghiệm thực tế tại vị trí dự án, hiểu sâu về dự án mình chuẩn bị mua. Mặt khác, nó tạo dựng nên uy tín cho nhà đầu tư, nhà phân phối và giúp thu hẹp khoảng cách giữa khách hàng với dễ dàng đa dạng hóa nguồn cung.
Tuy vậy, phương thức truyền thông này đòi hỏi người tổ chức phải chi rất nhiều chi phí cho một lần tổ chức, với những dịch vụ đi kèm giúp khách hàng có những trải nghiệm tốt hơn.
Nên truyền thông trực tuyến hay trực tiếp?
“Thông thường, tôi hay chọn cách truyền thông kết hợp cả gián tiếp lẫn trực tiếp để tối ưu hóa thông tin và tiếp cận khách hàng dễ dàng. Tỉ lệ khách hàng xuống cọc giữ chỗ cũng tăng và dĩ nhiên, tên tuổi dự án cũng sẽ tăng theo” – Anh Kiệt, một người làm truyền thông bất động sản tại TP.HCM chia sẻ.
Nhận định của anh Kiệt cũng nhận được sự đồng tình của số đông những người thực hiện truyền thông bất động sản. Theo họ, dù là trực tiếp hay trực tuyến, mỗi phương thức truyền thông đều có những ưu, nhược điểm khác nhau và thông thường, giới truyền thông bất động sản sẽ lựa chọn kết hợp cả hai để có thể bù đắp những khiếm khuyết, lỗ hổng của từng phương thức nhằm hỗ trợ thông tin tốt hơn cho khách hàng.
Thêm nữa, đối với những sản phẩm quy mô lớn như dự án bất động sản, việc vận dụng truyền thông trực tuyến để dẫn dắt khách hàng đến với truyền thông trực tiếp sẽ mang lại hiệu quả tối đa.
Việc truyền thông dự án bất động sản rầm rộ trong thời gian vừa qua là chỉ dấu cho thấy sự trở lại đáng mong đợi của thị trường bất động sản.
>> Tổ chức sự kiện bán hàng sao cho hiệu quả?
>> 5 Bí quyết tổ chức sự kiện mở bán dự án bất động sản hiệu quả
Việt Phi