Livestream đang dần trở nên phổ biến trong những năm trở lại đây. Dưới đây là 4 lý do vì sao loại hình này đang dần trở thành một công cụ hữu hiệu để các tổ chức, cá nhân quảng bá hình ảnh của mình đến với công chúng.
Các chiến lược gia về marketing vẫn thường truyền tai nhau về một quan điểm, đó là: “Không có gì thu hút con người hơn là một câu chuyện hay”. Thật vậy, những chiến dịch marketing hiệu quả thường đi kèm với một câu chuyện truyền cảm hứng, nhưng việc này đang dần bị lỗi thời trong thời đại công nghệ số.
Những người trẻ hiện đại, đặc biệt là thế hệ Z thì cuộc sống của họ gần như gắn liền với không gian ảo, dễ hiểu hơn chính là các mạng xã hội. Theo một nghiên cứu của Adobe, Gen Z là dành đến 10 tiếng mỗi ngày cho Facebook, Instagram, Twitter… Các hoạt động chính trên không gian ảo chủ yếu liên quan đến các cuộc tranh luận liên quan đến các cá nhân, chủ yếu là người nổi tiếng hoặc KOLs, các vấn đề về chính trị hoặc chỉ đơn giản là hóng hớt những sự kiện bên ngoài xã hội thực. Đây là đối tượng chính mà chương trình livestream muốn nhắm đến.
Một cuộc khảo sát của công ty phần mềm Livestream và tờ New York Magazine chỉ ra rằng, 80% người dùng thích một video phát trực tiếp hơn là một bài đăng kiểu văn bản thông thường. Hơn thế nữa, việc live stream đang trở thành một công cụ có sẵn trên các nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter hay Instagram đã biến việc phát trực tiếp trở thành một phần quan trọng trong chiến lược marketing của nhiều thương hiệu và họ sẵn sàng dành ra 28% chi phí để quảng cáo thông qua hình thức này.
Phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng
Xu thế livestream phát triển mạnh là điều tất yếu khi những người dùng thuộc thế hệ Z đang dần trở thành đối tượng khách hàng nòng cốt. Trong báo cáo “The Next Generation” được thực hiện bởi tờ Business Insider cho thấy, Gen Z sẽ mau chóng trở thành tập khách hàng lớn nhất tại Mỹ. Báo cáo này ước tính chi tiêu của những khách hàng trẻ tuổi này sẽ nhanh chóng đạt mức 143 tỷ USD tính riêng tại Xứ Cờ Hoa.
Cũng theo Business Insider, vì ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định mua hàng của nhóm tiềm năng nói trên, các dịch vụ livestream sẽ trở thành ngành công nghiệp trị giá 30 tỷ USD trong năm nay và sẽ nhanh chóng tăng lên 70 tỷ trong năm 2021.
Một nghiên cứu khác của ABI Research tính toán được sẽ có khoảng 91 triệu người dùng xem các video livestream vào năm 2024.
Nội dung có thể tái sử dụng nhiều lần
Các chiến lược gia marketing đang nhận ra thêm một giá trị nữa của video livestream, đó chính là tính tái sử dụng. Bên cạnh các sự kiện online được phát trực tiếp, các nhãn hàng có thể lấy hình ảnh từ đó, ghép lại thành video và đăng tải lên như một nội dung mới. Vừa không mất nhiều chi phí, vừa có thể tạo ra một chuỗi các sản phẩm có nội dung liên kết mật thiết.
Điển hình như Vogue đã tiến hành cắt nhỏ một đoạn video hậu trường Met Gala và re-up nó lên fanpage. Kết quả là, video recap này đã nhanh chóng nhận được 200.000 lượt xem.
Sáng tạo hơn một chút, BMW đã live stream quá trình trải nghiệm chiếc X1 của hãng trên ứng dụng Periscope và cho phép khán giả của mình quyết định xe sẽ đi tới đâu và dừng nghỉ ở địa điểm nào ngay trên chương trình phát trực tiếp kể trên, toàn bộ những hình ảnh này đều có thể tái sử dụng trong các video quảng cáo tiếp theo của hãng, một chiến lược rất thông minh và tinh tế đến từ hãng xe Đức.
Cầu nối giữa thế giới thực và ảo
Mới chỉ cách đây vài năm, hạ tầng internet cũng như thói quen sử dụng các thiết bị của người dùng vẫn chưa thể đáp ứng được hình thức livestream. Tuy nhiên, với những tiến bộ vượt bậc của công nghệ trong 1-2 năm trở lại đây, các doanh nghiệp đã có thể có cơ hội để quảng bá thương hiệu của mình ra khắp thế giới.
Không chỉ có vậy, với sự phổ biến của hình thức phát trực tiếp, người dùng toàn cầu gần như sẽ có thể tiếp cận với các sản phẩm mới gần như cùng một lúc thông qua các buổi livestream ra mắt. Điển hình trong năm 2020, dưới sự ảnh hưởng của dịch bệnh và hầu như các sự kiện cần sự tập trung đông người đều bị hủy bỏ, thì phát trực tiếp một lần nữa đã khẳng định được vị thế của mình.
Chủ động trong các chỉ số người xem
Trong các sự kiện kiểu truyền thống, có rất ít công cụ để các thương hiệu hay nhà tổ chức có thể xác định được thái độ cũng như sự hứng thú của người dùng trong suốt quá trình diễn ra sự kiện.
Nhưng với các sự kiện trực tuyến, bài toán này vô tình lại được giải quyết một cách khá dễ dàng. Các câu hỏi khiến các agency từng phải đau đầu như số người xem ở đầu sự kiện thay đổi như thế nào tại cuối sự kiện? Số lượng này là bao nhiêu? Tương tác có tốt không? Tất cả mọi thứ đều được hiển thị thông qua các con số vô cùng khoa học và dễ dàng phân tích.
Chưa hết, những tương tác của khán giả trong suốt quá trình livestream như like hay thả tim. Bình luận những gì theo thời gian thực và hoàn toàn có thể xem lại sau khi sự kiện đã kết thúc là những ưu điểm vượt trội mà không có bất kỳ kiểu sự kiện truyền thống nào có thể có được.
Tổng kết
Thông qua những lý do kể trên, có thể thấy livestream, với những điểm mạnh vốn có của mình, sẽ trở thành một xu hướng dẫn đầu trong thời gian sắp tới, hứa hẹn sẽ là công cụ marketing hữu hiệu dành cho các doanh nghiệp, cũng như cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ. Với lượng chi phí thấp, cách vận hành đơn giản, sẽ không quá bất ngờ nếu đây trở thành một hình thức tiếp thị vô cùng hiệu quả trong tương lai gần.
>> Bán hàng livestream nở rộ mùa Covid-19: bài học từ Trung Quốc
>> 10 bí quyết cần nhớ để tổ chức sự kiện trực tuyến thành công
Huỳnh Phương
Theo Trí thức trẻ/ Entrepreneur