Với chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh: Văn minh – Hiện đại – Nghĩa tình”, Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Tân Sửu 2021 kỳ vọng sẽ góp phần quảng bá hình ảnh, vị thế tiên phong của TP.HCM trước vận hội mới.
Trải rộng trên tuyến phố đi bộ dài hơn 700m, Đường hoa Nguyễn Huệ năm nay sẽ mang đến cho người dân và du khách diện mạo của một thành phố tràn đầy sức sống, năng động, phát triển phồn vinh trong sự hài hòa với các giá trị văn hóa cốt lõi, phù hợp với tinh thần “Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân”.
Đường hoa Nguyễn Huệ 2021 là Đường hoa thứ 18 được thực hiện trong dịp Tết cổ truyền tại trung tâm TP.HCM, kể từ lần đầu tiên vào năm 2004. Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Tân Sửu 2021 sẽ mở cửa phục vụ nhu cầu du xuân, thưởng ngoạn của người dân thành phố và du khách từ 19g ngày 9-2 đến 21g ngày 15-2-2021 (tức từ 28 tháng Chạp Âm lịch đến mùng 4 Tết). Thời gian thi công sẽ diễn ra từ ngày 25-1 đến 16g ngày 9-2/2021 (tức từ ngày 13 đến 28 tháng Chạp năm Canh Tý).
Những điểm đặc sắc tại Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Tân Sửu 2021
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2021 được chia thành hai chương, gồm “Con đường hội tụ bản sắc” và “Con đường hướng tới tương lai”, với 13 phân cảnh lớn, nhỏ khác nhau. Bốn điểm nhấn độc đáo, sẽ tạo nét khác biệt cho Đường hoa năm nay.
Đầu tiên là linh vật của năm Tân Sửu – Trâu, được dân gian gọi thân thương là “bạn của nhà nông”. Linh vật trâu vừa là nguồn cảm hứng trong ca dao, câu hò, điệu lý vừa là một con vật sống gần gũi với con người, với thiên nhiên. Thay vì tạo hình trâu được nhân cách hóa như những linh vật của các năm trước, linh vật trâu năm nay được thiết kế bằng ngôn ngữ mới thiên về tính tạo hình và kiến trúc.
Như thiết kế 26 linh vật trâu đa dạng từ các chú nghé đến những đàn trâu to khỏe, thân thiện được tạo hình cách điệu bằng các vật liệu truyền thống, gần gũi với thiên nhiên và thân thiện với môi trường như lá sen, mây tre, vỏ cừ tràm. Tiểu cảnh mùa len trâu, một đặc trưng văn hóa của vùng đồng bằng châu thổ Nam Bộ, Trải dài trên diện tích 415m2, hình ảnh những chú bé mục đồng trèo lưng trâu vượt sông hay xuyên suốt 720m của Đường hoa, linh vật trâu hầu như luôn xuất hiện có đôi, theo bầy, đặc biệt ở những phân đoạn con người và trâu đồng hành, ẩn chứa tình cảm ấm áp, thân thương.
Đại cảnh “Thành phố thông minh” nằm ở cuối Đường hoa lại như cánh cổng rộng mở vươn đến tương lai bằng hình ảnh bông lúa được thể hiện đầy tính nghệ thuật. Tính năng động, sáng tạo, phát triển vượt bậc của TP.HCM được khắc họa qua hình ảnh những khối nhà tạo hình bằng chất liệu thân thiện với môi trường gắn với các biểu tượng của công nghệ 4.0 để cùng kiến tạo nên hình ảnh của một thành phố đáng sống.
Bức tranh đa sắc màu của Đường hoa Nguyễn Huệ 2021 còn được tô điểm qua những tác phẩm cắm hoa nghệ thuật của đại diện 10 lãnh sự quán các nước tại TP.HCM. Nét duyên từ các tác phẩm cắm hoa nghệ thuật của bạn bè quốc tế, cùng hòa điệu với hơn 130 chủng loại hoa, lá; sự mộc mạc của mây tre, lá sen, vỏ cừ tràm; sự mạnh mẽ của chất liệu kim loại đến từ các đại tiểu cảnh trên Đường hoa.
Mang thiết kế hữu cơ vào Đường hoa Tân Sửu
Ngôn ngữ bao trùm trong thiết kế Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Tân Sửu 2021 là thiết kế hữu cơ (organic design & architecture), chuyển tải thông điệp xanh, lối sống thân thiện với môi trường. Ở đó, sự chuyển động, hòa quyện giữa nước, ánh sáng nghệ thuật trên nền công nghệ 4.0 được thể hiện xuyên suốt Đường hoa trong các đại cảnh, tiểu cảnh như An yên xuân về, Mừng Xuân mừng Đảng, Vòm lan rực rỡ, Hào khí Việt Nam, Bức tranh đồng dao, Vòm đoàn kết, hay đoạn trưng bày sản phẩm đặc trưng của khu nông nghiệp công nghệ cao…
Thiết kế hữu cơ đóng vai trò như mạch dẫn kết nối các đại, tiểu cảnh trên Đường hoa thành một thể thống nhất đầy tính mỹ thuật, vững chãi nhưng không thô cứng. Đặc biệt, chuyển động cơ học cũng được sử dụng trên Đường hoa tạo nên hơi thở động của cuộc sống trong phân đoạn gia đình trâu tại cổng Đường hoa hay chuyển động đa chiều của hoa sen khổng lồ được tạo hình bằng mây tre.
Kim Phi
Theo Doanh Nhân Plus