Trong khi Ủy ban Olympic quốc tế cam kết mang đến một sự kiện an toàn thì Bộ trưởng Olympic Nhật Bản lại khẳng định Thế vận hội Tokyo 2020 phải được tổ chức “bằng mọi giá”.
Chỉ còn chưa đầy một năm nữa là đến ngày tổ chức sự kiện, nhưng câu hỏi lớn nhất đặt ra vào lúc này là Thế vận hội Tokyo có thể diễn ra hay không?
Trong bối cảnh COVID-19 tiếp tục tàn phá toàn cầu, hãy cùng xem xét các kịch bản và tình huống có thể xảy ra khi tổ chức thế vận hội vào năm 2021.
Tiến hành theo kế hoạch ban đầu
Trường hợp tốt nhất cho IOC là tổ chức Đại hội thể thao Tokyo với ít hoặc không có hạn chế do COVID-19. Nhưng điều đó sẽ không thể thực hiện được trừ khi một loại vắc xin ổn định được phát triển và sản xuất với số lượng đủ lớn trong vòng 10 tháng tới.
Chủ tịch IOC Thomas Bach cho biết một loại vắc xin như vậy sẽ “không phải là viên đạn bạc nhưng chúng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức Thế vận hội”.
Theo như kịch bản này, Nhật Bản thực hiện các bước để đảm bảo đủ lượng vắc-xin cần thiết để tiêm chủng cho 126 triệu người nhằm tạo sự yên tâm cho các vận động viên và người hâm mộ tham dự.
Các địa điểm hoạt động hết công suất mà không có giới hạn đi lại sẽ giúp các đài truyền hình và nhà tài trợ – những nguồn thu lớn nhất của Thế vận hội, cảm thấy vui vẻ. Đồng thời điều này cũng mang lại cho các nhà tổ chức doanh thu từ việc bán vé và hàng hóa tại chỗ.
Bằng cách này, các nhà tổ chức có thể hy vọng sẽ thu lại được một số khoản chi phí phụ trội ước tính khoảng 1 tỷ đô la mà họ dự kiến sẽ phải đối mặt do bị hoãn.
Tổ chức Olympic Toyko với các biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện nghiêm ngặt
Với khoảng 11.000 vận động viên dự kiến sẽ đến Tokyo để tham dự Thế vận hội, việc giữ an toàn cho họ chính là ưu tiên số một của ban tổ chức. Chìa khóa để thực hiện được điều này sẽ là đảm bảo an toàn cho làng vận động viên và đảm bảo tất cả các biện pháp được thực hiện tại các địa điểm tổ chức Thế vận hội.
Một ý tưởng nổi lên là đưa các vận động viên đến Tokyo một tháng trước Thế vận hội, để họ có thể làm thủ tục kiểm dịch và kiểm tra trong hai tuần trước khi tập luyện cho sự kiện của họ. Các vận động viên sau đó sẽ không được phép rời khỏi các khu vực được chỉ định, an toàn trong thời gian họ ở Nhật Bản.
Người hâm mộ là nhóm chính khác mà các nhà tổ chức phải cân nhắc. Hơn bảy triệu vé đã được bán cho Thế vận hội, cho các sự kiện diễn ra ở các địa điểm trên khắp Tokyo và nhiều nơi khác.
Việc di chuyển hàng nghìn người quanh thành phố luôn là một thách thức, giờ đây càng trở nên tồi tệ hơn do cần có biện pháp phòng ngừa COVID-19. Các nhà tổ chức có thể quyết định giới hạn số lượng người hâm mộ ở mỗi địa điểm để duy trì sự xa cách xã hội – giống như các môn thể thao lớn ở Nhật Bản năm nay – hoặc chỉ những người mua vé tại Nhật Bản mới có thể tham dự.
Điều này sẽ dẫn đến sự náo động giữa những người bán vé và thiệt hại tài chính cho các nhà tổ chức sự kiện.
Không có khán giả, đảm bảo an toàn cho vận động viên
IOC có thể xem xét trường hợp của các giải đấu thế thao khác khi tổ chức mà không có khán giả tham dự trực tiếp.
Một giải pháp đã được thực hiện tại vòng loại trực tiếp giải bóng rổ NBA khi tất cả các cầu thủ và nhân viên ở cùng nhau tại World Disney World Resort và không có người hâm mộ nào tham dự. ESPN đưa tin rằng việc này đã tiêu tốn của NBA 150 triệu đô la, vì vậy trong trường hợp Thế vận hội, với nhiều vận động viên hơn từ các quốc gia trên thế giới, ai sẽ trả tiền?
Nỗ lực hậu cần để tổ chức Thế vận hội trong bối cảnh đại dịch đang diễn ra trở nên dễ dàng hơn nếu hàng trăm nghìn du khách không tham dự trực tiếp.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch IOC John Coates cho biết đám đông là một phần thiết yếu của Thế vận hội. Không có người hâm mộ sẽ là một đòn giáng mạnh vào sản phẩm hàng đầu của IOC, khiến các nhà đài và nhà tài trợ thất vọng. Các đài truyền hình sẽ thiếu bầu không khí do người hâm mộ tạo ra, trong khi các nhà tài trợ, những người không được phép quảng cáo ở bất kỳ sân thi đấu nào của địa điểm Olympic, cũng cần có mặt tại chỗ để tiếp xúc nhiều hơn.
Tiếp tục hoãn tổ chức Thế vận hội Tokyo
Các nhà tổ chức cho rằng, với Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 được ấn định vào tháng 2 năm 2022, việc trì hoãn thêm nữa là không thể. Tuy nhiên, phương án này vẫn có thể xảy ra.
Nếu một loại vắc-xin tiềm năng được tung ra vào cuối năm 2021, thì việc hoãn Thế vận hội cho đến khi các vận động viên đã được tiêm chủng sẽ tốt hơn.
Hủy hoàn toàn sự kiện Olympic Tokyo
Hủy bỏ đồng nghĩa với thảm họa tài chính cho các nhà tổ chức Nhật Bản. Hơn 12,6 tỷ USD đã được bơm vào dự án, hàng trăm triệu USD nữa sẽ bị hoãn lại trong một năm.
IOC cũng đã ký các hợp đồng về quyền và các hợp đồng tài trợ trị giá vài tỷ đô la và việc họ không thể tham gia Thế vận hội chắc chắn sẽ có hậu quả pháp lý. Một kịch bản như vậy sẽ cắt giảm nghiêm trọng dự trữ tiền mặt của IOC.
Các cơ quan quản lý thể thao quốc tế và các liên đoàn quốc gia nhỏ hơn cũng bị ảnh hưởng vì họ phụ thuộc vào việc nhận được phần doanh thu tài trợ và phát sóng của Thế vận hội.
Đối với các vận động viên cũng vậy, việc hủy bỏ có thể hủy hoại cả cuộc đời nỗ lực và cố gắng của họ. Cơ hội cạnh tranh ở cấp độ cao nhất là rất hiếm hoi đối với hầu hết các vận động viên. Bởi vì họ có thể chỉ có được một hoặc hai cơ hội để tranh tài tại Thế vận hội. Cả một thế hệ vận động viên sẽ bỏ lỡ cơ hội mà họ đã rèn luyện cả đời.
Đây có thể là một kịch bản mà mọi người đều không mong đợi.
>> Nhật Bản vẫn sẽ tổ chức Olympic Tokyo giữa rủi ro dịch bệnh
Khải Hoàn
Nguồn: Reuters