Khi các tuần thời trang, sự kiện thảm đỏ bị hủy hoặc hoãn, các nhà mốt nhanh nhẹn tận dụng lợi thế công nghệ để chống lại Covid-19.
Loạt show thời trang hủy bỏ
Do tác động của Covid-19, tháng 4, tín đồ thời trang không thể chiêm ngưỡng cuộc diễu hành với những bộ trang phục kỳ lạ tại sự kiện thường niên Coachella. Chương trình thông báo dời đến tháng 10, khi dịch được kiểm soát.
Tháng 5, người hâm mộ không thể chứng kiến màn khoe trang phục thảm đỏ của sao tại Met Gala và Cannes. Từ Sydney (Australia) đến Sao Paulo (Brazil), các tuần thời trang toàn cầu đã bị hủy hoặc hoãn. Theo South China Morning Post, nhiều khả năng fan chỉ thấy thần tượng khoe những bộ đồ ngủ, hơn là thời trang cao cấp.
Doanh số sụt giảm trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà mốt. “Sự kiện” là cách họ quảng bá thương hiệu và “chìa khóa” marketing. Đặc biệt, tuần thời trang không chỉ là bữa tiệc hào nhoáng, nơi mọi người khoác lên mình những bộ cánh đắt tiền, mà còn tập hợp người mua, biên tập viên, lãnh đạo ngành, nghệ sĩ và người có sức ảnh hưởng… Hoạt động mua bán thường diễn ra ngay tại các showroom.
Ở hậu trường, các chương trình tuyển dụng đội ngũ sản xuất, chuyên gia trang điểm, tạo mẫu tóc… nhằm hỗ trợ người mẫu và trang phục nổi bật trên sàn diễn. Khi quan khách đến sự kiện, ngành du lịch, hãng hàng không, khách sạn… đều được hưởng lợi. Hình ảnh sao, người có sức ảnh hưởng xuất phát từ sân bay đến các buổi trình diễn thường truyền cảm hứng cho người mua. Do đó, ngành công nghiệp thời trang khó phát triển nếu thiếu sự kiện.
Ngành công nghiệp này cũng gây tiếng xấu khi thải quá nhiều carbon, ảnh hưởng môi trường. Thay đổi là cần thiết, nhưng phải chuyển hướng thế nào khiến các nhà mốt băn khoăn.
Show thời trang trực tuyến “lên ngôi” thời dịch
Để thích nghi với đại dịch và cứu vãn doanh thu, nhiều doanh nghiệp nhanh nhẹn ứng dụng kỹ thuật số và công nghệ. Khi Covid-19 hạn chế người có sức ảnh hưởng từ Trung Quốc đến các tuần thời trang Thu Đông 2020, Dior quyết định phát trực tiếp loạt show diễn của họ. Nhà mốt cũng hợp tác với sao Trung Quốc và người có sức ảnh hưởng nhằm tăng tỷ lệ người xem chương trình trực tuyến.
Tháng trước, Tuần thời trang Thượng Hải (Trung Quốc) phát trực tiếp luân phiên toàn bộ chương trình của mình trên Taobao Live, phối hợp với nền tảng thương mại điện tử của Alibaba Tmall.
South China Morning Post cho rằng ngành công nghiệp có thể cải thiện doanh thu khi chuyển sang kỹ thuật số vì trong thời gian giãn cách xã hội, mọi người buộc phải online. Các phần mềm được hỗ trợ tính năng thực tế ảo nhằm mục đích cải thiện trải nghiệm khách hàng.
Trước lo ngại về dự báo doanh thu, đây là lúc các thương hiệu khai thác tiềm năng kỹ thuật số. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng người tiêu dùng chưa chắc sẵn sàng từ bỏ mua sắm truyền thống, có lẽ họ đang chờ đợi thời khắc được nhìn ngắm, cảm nhận trang phục trong các cửa hàng.
Hiện người tiêu dùng không chú trọng những thiết kế màu sắc hay hình khối, mà quan tâm sáng kiến từ thiện của các thương hiệu thời trang. Tháng trước, LVMH bắt tay sản xuất nước sát khuẩn tại các nhà máy chế tác nước hoa của mình. Moncler đóng góp 11 triệu USD (hơn 258 tỷ đồng) để xây dựng bệnh viện cho các bệnh nhân nhiễm nCoV tại Milan (Italy). Chanel, Burberry và Hermès… tập trung may khẩu trang và áo bảo hộ y tế.
Theo South China Morning Post, suy thoái có xu hướng dẫn đến khổ hạnh. Giai đoạn sau khủng hoảng tài chính năm 2008, ngành thời trang theo đuổi phong cách tối giản, điển hình là các sáng tạo của NTK Phoebe Philo tại Celine. Đại dịch sớm đi qua là mong muốn không chỉ của nhà mốt mà người dân toàn cầu.
Vân Bùi (Theo VnExpress/ SCMP)