Không phải đến hiện tại, khi đại dịch COVID-19 hoành hành khiến cuộc sống bị đảo lộn, người ta mới nghĩ đến việc tổ chức sự kiện trên môi trường online. Kỳ thực, hình thức tổ chức sự kiện này đã tồn tại từ rất lâu và ngày càng phát triển mạnh sau khi các công cụ kết nối trực tuyến như Skype, Facebook, Telegram… ra đời. Và thậm chí, nhiều chuyên gia dự đoán rằng, tổ chức sự kiện trực tuyến sẽ là hướng đi mới cho ngành sự kiện trên toàn thế giới trong thời gian tới.
Hàng loạt tờ báo, tạp chí uy tín quốc tế ghi nhận, tính đến đầu tháng 4 năm nay, đã có hàng trăm sự kiện trực tuyến được tổ chức với sự tham gia của gần 100.000 người. Những ông lớn công nghệ như Google, Facebook, Microsoft là những người dẫn đầu xu thế này nhờ công nghệ hiện đại của mình.
Câu chuyện không chỉ dừng ở lĩnh vực kinh doanh, công nghệ. Ở lĩnh vực chính trị, việc lãnh đạo các nước G20 tham gia cuộc Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến do Saudi Arabia chủ trì hôm 26/3 cho thấy hội nghị trực tuyến đang thực sự được ứng dụng nhiều và trở thành xu hướng.
Tuy vậy, để sự kiện trực tuyến thực sự được ứng dụng rộng rãi và thay thế dần các cuộc họp trực tiếp trong tương lai là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi.
Những hạn chế của sự kiện trực tuyến
Dĩ nhiên, giải pháp nào cũng sẽ có những mặt hạn chế nhất định và thế giới vận hành theo cách hoàn thiện những lỗ hổng.
Lo ngại lớn nhất của việc tổ chức và vận hành các cuộc họp, sự kiện trực tuyến chính là lỗ hổng bảo mật của các ứng dụng phổ biến. Mới đây, Zoom, phần mềm kết nối trực tuyến vừa dính cáo buộc thu thập thông tin người dùng khi chưa được phép. Trước đó, mạng xã hội được phát triển từ Việt Nam là Zalo cũng dính phải cáo buộc thu thập thông tin người dùng. Những lỗ hổng bảo mật từ các ứng dụng kết nối trực tuyến nêu trên chính là trở ngại lớn nhất, khi các hacker luôn nhăm nhe đến những nền tảng trực tuyến có lượng truy cập lớn.
Để khắc phục điều này, các chuyên gia cho rằng những người tham dự hoặc nhà tổ chức sự kiện nên sử dụng các nền tảng, mạng xã hội có tính năng bảo mật và độ tin cậy cao như Telegram, Skype, Facebook, …
Hạn chế thứ hai chính là phạm vi mở rộng mối quan hệ và quảng cáo sẽ không cao. Dẫn đến tương tác và lợi nhuận sẽ giảm dần.
Điều này được chứng minh thông qua chính buổi họp trực tuyến của nhóm G20 khi nguyên thủ các nước chỉ đối thoại nhau thông qua màn hình. Hoàn toàn không có họp báo, đồng nghĩa với việc những thông tin được đến tay báo chí đã qua quá trình chọn lọc.
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những người tham dự sự kiện thông thường sẽ tìm cách mở rộng những mối quan hệ của bản thân thông qua những giờ giải lao của các sự kiện. Điều này khó có thể thực hiện khi mọi người tham gia các sự kiện trực tuyến. Cùng với đó, tính tương tác quảng cáo là vô cùng khó khăn khi không có đủ không gian cho rất nhiều thương hiệu cùng xuất hiện một lúc.
Và ưu điểm của tổ chức sự kiện trực tuyến
Bất chấp những hạn chế đã được nhiều chuyên gia chỉ ra, sự kiện trực tuyến cũng có rất nhiều ưu điểm đã được công nhận và không phải ngẫu nhiên, giải pháp này được lựa chọn là cứu tinh cho giới tổ chức sự kiện mùa dịch.
Xóa nhòa khoảng cách chính là ưu điểm vượt trội nhất. Khi bạn ở bất kỳ một ngóc ngách nào trên thế giới đều có thể tham gia sự kiện bất kỳ, chỉ cần một nền tảng công nghệ với trang thiết bị đủ hiện đại.
Thêm nữa, loại hình sự kiện này góp phần triệt tiêu những cảm xúc tiêu cực, điều mà họp mặt trực tiếp nhiều khi gây ức chế cho người tham dự. Việc cải thiện cảm xúc người dùng chính là một trong những yếu tố giúp tổ chức sự kiện online lên ngôi.
Và, khi đại dịch đang hoành hành, tổ chức sự kiện trực tuyến trở thành giải pháp tối ưu cũng là lẽ đương nhiên. Bởi, dù không thực sự mang lại nhiều lợi nhuận như tổ chức sự kiện trực tiếp, nhưng nền tảng online/virtual vẫn cho phép người tổ chức thực hiện những hình thức quảng cáo ảo đến đúng đối tượng và khoanh vùng phạm vi tiếp cận.
Tuy vậy, về lâu dài, tổ chức sự kiện trực tuyến không phải là giải pháp thay thế hình thức tổ chức sự kiện trực tiếp. Các chuyên gia đánh giá, cả hai hình thức này sẽ tồn tại song song, bù trừ cho nhau như cách trước giờ các doanh nghiệp vẫn thực hiện. Song, với những chỉ dấu cho thấy đại dịch vẫn còn kéo dài, đây vẫn là giải pháp hữu hiệu duy nhất lúc này, trước khi thế giới trở về với trật tự ban đầu.
>> Xu hướng tổ chức sự kiện trực tuyến lên ngôi trong mùa dịch nCoV
>> 10 mẹo tổ chức sự kiện trực tuyến thành công không nên bỏ qua
Việt Phi