Hàng loạt sự kiện giải trí, công nghệ, thể thao quốc tế lần lượt phải tạm hoãn hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, góp phần tô đậm thêm sự u ám cho bức tranh toàn cảnh của ngành sự kiện trên toàn cầu.
Sự kiện công nghệ: nhiều ông lớn thông báo hủy bỏ sự kiện quốc tế
Những ông lớn đình đám của giới công nghệ đều phải ngậm ngùi xoay xở trước sự hoành hành của đại dịch. Google, Facebook hay Microsoft… đều không nằm ngoài quy luật thị trường bị tàn phá bởi đại dịch.
Cụ thể, đối với Facebook, hai hội nghị lớn nhất trong khoảng thời gian này là Hội nghị thượng đỉnh tiếp thị tháng 3 và Hội nghị các nhà phát triển F8 đều phải hủy bỏ. Ông lớn công nghệ này chưa công bố số thiệt hại cụ thể ước tính được do ảnh hưởng của đại dịch.
Trong khi đó, các tín đồ của Google, nhất là ở mảng hệ điều hành Android, sẽ phải ngậm ngùi lỡ hẹn với Google I/O, sự kiện được coi là lớn nhất năm của đại gia công nghệ này. Thông thường, tại sự kiện này, Google sẽ công bố hàng loạt sản phẩm mới đi kèm với những phát kiến công nghệ của riêng họ. Nhưng năm nay, điều này không thể diễn ra.
Cùng với Google và Facebook, một cái tên được giới mộ điệu công nghệ quan tâm là Microsoft mới đây đã tuyên bố hủy bỏ sự kiện Build 2020, sự kiện công nghệ được coi là lớn nhất năm của công ty này.
Sự kiện thể thao: chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19
Olympic Tokyo 2020, Euro 2020 và hàng loạt giải đấu thể thao lớn nhỏ đã buộc phải hoãn lịch bởi sự tàn phá của đại dịch. Một năm đầy những biến động của giới thể thao.
Trước sự kiện hàng loạt cầu thủ, HLV nổi tiếng của các đội bóng lớn hàng đầu châu Âu như Juventus, Chelsea, Arsenal hay Olympiacos… bị nhiễm COVID-19, Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) đã buộc phải ra lệnh hoãn các giải đấu vô địch quốc gia châu Âu. Cùng với đó, Champions League, giải đấu vô địch châu Âu cấp CLB cũng buộc phải hoãn cho tới 30/4 năm nay.
Không những vậy, UEFA cũng buộc phải hoãn Euro 2020 cho đến hè năm sau, vì lo ngại đại dịch. Một năm ảm đạm đối với các tín đồ thể thao chưa dừng lại ở đó khi mới đây phía Nhật Bản và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cũng buộc phải tuyên bố dời Olympic Tokyo 2020 sang năm sau.
Sự kiện giải trí: không là ngoại lệ trong ngành sự kiện
Hàng loạt liên hoan âm nhạc lớn, các bộ phim bom tấn và rất nhiều những sự kiện giải trí quốc tế cúng không nằm ngoài quy luật xã hội khi toàn thế giới hiện tại gần như đang “đóng băng”.
Loạt phim bom tấn của “vũ trụ điện ảnh” Marvel như Black Widow (Góa phụ đen), hay Falcon & The Winter Soldier (Falcon và chiến binh mùa đông) đã buộc phải dời lịch công chiếu bởi lệnh phong tỏa của rất nhiều quốc gia châu Âu. Hàng loạt hãng phim như Disney, Universal cũng bị ảnh hưởng trước đại dịch này.
Trong khi đó, Lễ hội âm nhạc & Liên hoan Nghệ thuật nổi tiếng Coachella đã được đẩy đến tháng 10 năm nay. Cùng diễn biến với Coachella là Ultra Music Festival Miami, sự kiện âm nhạc được mong chờ nhất nhì tại Mỹ này sẽ không diễn ra cho đến đầu năm 2021.
Và cuối cùng, Lễ trao giải Emmy, một trong những giải thưởng danh giá dành cho lĩnh vực truyền hình của Mỹ sẽ buộc phải dời lịch sang tháng 9 năm nay, thay vì tháng 6 như dự định ban đầu. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng, sự hoành hành của đại dịch có thể khiến Lễ trao giải Emmy năm nay chỉ được tổ chức trực tuyến.
>> Xu hướng tổ chức sự kiện trực tuyến lên ngôi trong mùa dịch nCoV
Việt Phi (Tổng hợp)