Đại dịch đang làm thay đổi thói quen mua sắm, khiến người dùng phụ thuộc nhiều hơn vào các dịch vụ trực tuyến.
Trong khi nhiều lĩnh vực kinh tế chững lại trước tác động của Covid-19, các công ty công nghệ lớn vẫn tăng trưởng ổn định, thậm chí phát triển mạnh. Amazon tuyên bố thuê thêm 100.000 công nhân kho để đón “cơn bão mua sắm trực tuyến”. Mark Zuckerberg , Giám đốc điều hành Facebook, cho biết lượng người sử dụng dịch vụ gọi video và nhắn tin cao đột biến. Microsoft ghi nhận lưu lượng truy cập nền tảng hỗ trợ làm việc từ xa tăng gần 40% sau một tuần.
Dịch vụ phát video theo yêu cầu (VOD) làm giảm doanh thu phòng vé từ vài năm qua. Khi rạp chiếu phim đóng cửa theo lệnh của chính phủ, Netflix và YouTube lại đón nhận số lượng lớn người dùng mới.
Nhiều doanh nghiệp ngừng đầu tư vào trung tâm dữ liệu để thuê dịch vụ lưu trữ đám mây của Amazon, Microsoft và Google. Xu hướng này trở nên phổ biến hơn khi hàng triệu nhân viên buộc phải làm việc tại nhà, gây sức ép cho hạ tầng công nghệ.
“Các công ty công nghệ lớn có thể phát triển mạnh hơn nhiều sau đại dịch”, Daniel Ives, Giám đốc chiến lược của Wedbush Securities, dự đoán.
Tất nhiên, các công ty công nghệ vẫn chịu tác động nhất định bởi dịch bệnh. Doanh thu quảng cáo nuôi sống Google và Facebook hao hụt đáng kể trong giai đoạn kinh tế suy thoái. Cả Microsoft và Apple giảm dự báo tài chính ngắn hạn vì người dùng cắt giảm chi tiêu. Bên cạnh đó, không phải tất cả công ty công nghệ đều ăn nên làm ra, như Uber, Lyft và các nền tảng cho thuê nhà gần như không có khách.
NYTimes nhận định, ngành công nghiệp toàn cầu sẽ chịu tổn thất trong năm nay, dù chưa rõ là bao nhiêu. Hồi tháng 12/2019, công ty nghiên cứu thị trường IDC dự báo doanh thu từ phần cứng, phần mềm và dịch vụ toàn cầu tăng trưởng 5% trong năm 2020. Đầu năm nay, khi Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, công ty đã điều chỉnh dự báo mức tăng trưởng doanh thu của ngành công nghệ xuống 1%. Theo Frank Gens, trưởng nhóm phân tích của IDC, số 1% còn là con số “khá lạc quan”.
Khi đại dịch được ngăn chặn và nền kinh tế cải thiện, các công ty công nghệ sẽ hưởng lợi từ sự thay đổi thói quen của người dùng. Dù bị dư luận và các nhà chức trách chỉ trích suốt 18 tháng qua, các công ty lớn có thể kết thúc năm 2020 theo cách ấn tượng hơn bao giờ hết.
Amazon thay đổi thói quen mua sắm các mặt hàng như sách trong quá khứ, nhưng việc khiến người dùng tin tưởng đặt mua hàng tạp hóa luôn được coi là thách thức. Giờ đây, khi nhiều người tự cách ly tại nhà, mua sắm trực tuyến trở thành sự lựa chọn duy nhất.
Michael Crowe (36 tuổi), một nhân viên bán lẻ tại New York, cho biết ông bắt đầu đặt hàng tạp hóa từ vài hôm trước vì không muốn mạo hiểm đi siêu thị. “Tôi nghĩ mình có thể duy trì thói quen này sau đại dịch”, Crowe nói.
Har Hararan, một cựu nhân viên Amazon và là nhà sáng lập công ty phần mềm CommerceIQ, nhận định: “Khi thử các dịch vụ khác nhau của Amazon, khách hàng có thể thay đổi vĩnh viễn thói quen mua sắm”.
Ngày 18/3, Dave Clark, Phó Chủ tịch điều hành toàn cầu của Amazon tiết lộ trên blog rằng công ty phải gấp rút bổ sung nhân viên kho và chuyển phát vì “nhu cầu lao động lớn chưa từng có trong giai đoạn này của năm”.
Một lý do khác là người dùng quan tâm đến các mặt hàng đa dạng hơn, như thuốc không kê đơn và hàng tạp hóa. Từ 20/2 đến 15/3, doanh số thuốc cảm trên Amazon tăng gấp chín lần so với cùng kỳ năm ngoái. Số đơn đặt hàng thức ăn cho thú cưng tăng gấp 13 lần và giấy vệ sinh tăng gấp ba lần, theo CommerceIQ.
Ngoài ra, lệnh phong tỏa ở nhiều thành phố cũng khiến lưu lượng truy cập các trang web, ứng dụng và mạng xã hội cao đột biến. Dữ liệu của Sensor Tower cho thấy, số lượt tải Netflix tăng 66% tại Italy, 35% tại Tây Ban Nha và 9% tại Mỹ.
Thậm chí, các quan chức châu Âu liên lạc với Reed Hasting, Giám đốc điều hành Netflix, để yêu cầu giảm chất lượng của các luồng phát video nhằm tránh nguy cơ sập mạng Internet. Netflix, cũng như YouTube, đã chấp nhận ngừng phát video độ phân giải cao trong 30 ngày.
Trong cuộc họp báo tuần trước, Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Facebook cho biết số lượng cuộc gọi video trên hai nền tảng Messenger và WhatsApp tăng gấp gôi. “Chúng tôi chỉ thấy lưu lượng truy cập cao như vậy trong dịp năm mới, khi mọi gửi ảnh selfie, nhắn tin và gọi điện chúc nhau”, Zuckerberg nói.
Giới phân tích tỏ ra lạc quan về triển vọng của Facebook, do nhiều người lên mạng xã hội để tìm kiếm tin tức và trò chuyện với nhau khi phải làm việc tại nhà. “Chúng tôi tin lượng người truy cập Facebook đã tăng đáng kể trong vài tuần qua”, chuyên gia Michael Pachter của Wedbush Securities nói.
Xu hướng làm việc tại nhà cũng cho thấy giá trị của dịch vụ dựa trên đám mây. Đối với các doanh nghiệp, việc nâng cấp hạ tầng kịp thời để đáp ứng lưu lượng truy cập lớn sẽ rất tốn kém và các nền tảng điện toán đám mây giúp công việc này trở nên dễ dàng hơn.
Dù giảm giá sâu dịch vụ cho thuê cơ sở hạ tầng cơ bản cho doanh nghiệp, doanh thu của ba công ty cung cấp nền tảng đám mây lớn là Amazon, Microsoft và Google vẫn tăng trưởng đều đặn. Microsoft được thúc đẩy bởi công cụ làm việc từ xa mới Microsoft Teams và đang cạnh tranh quyết liệt với Slacks. Ngày 19/3, hãng công bố lượng người dùng Teams tăng 37% sau một tuần, lên thành 44 triệu người dùng thường xuyên. Trung bình, có 900 triệu cuộc họp trực tuyến và gọi video thực hiện trên nền tảng mỗi ngày.
Ngay cả Apple phải đóng cửa chuỗi bán lẻ Apple Store trên toàn cầu cũng đang trên đà phục hồi. Foxconn, đối tác gia công thiết bị lớn của Apple, khẳng định đã thuê đủ nhân công và sẵn sàng nối lại hoạt động sản xuất ở Trung Quốc trước thời hạn dự kiến.
Để thoát khỏi sự phụ thuộc vào mảng phần cứng, Apple đẩy mạnh kinh doanh nội dung số, gồm ứng dụng, dịch vụ âm nhạc và truyền hình. Năm ngoái, công ty cam kết đầu tư hàng tỷ USD để phát triển dịch vụ Apple TV Plus với phí thuê bao hàng tháng là 5 USD.
Việc người dùng dành nhiều thời gian giải trí trên smartphone cũng là tin tốt với cả Apple và Google. Theo Sensor Tower, doanh thu từ bán ứng dụng trong hai tháng đầu năm 2020 tăng 18% lên thành 690 triệu USD trên App Store và 5% lên khoảng 360 triệu USD trên Play Store.
“Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Apple đã nổi lên mạnh mẽ hơn”, chuyên gia Daniel Ives cho biết. “Không có lý do gì họ và những gã khổng lồ công nghệ khác lại không thể tái lập kỳ tích đó”.
>> Thêm nhiều sự kiện, hoạt động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19
Việt Anh (theo VnExpress/NYTimes)
Link nguồn: https://vnexpress.net/so-hoa/covid-19-mo-ra-co-hoi-vang-cho-nganh-truc-tuyen-4074642.html